Mặc dù các thị trường khác nhau sẽ cần những phương pháp khác nhau để hồi phục ngành du lịch, nhưng câu chuyện của Trung Quốc là một bài học quý giá – đặc biệt là với những nước cũng đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam – về việc kích thích nhu cầu du lịch nội địa để giảm thiểu những tác động của dịch bệnh với nền kinh tế.
Hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch
Tính đến cuối tháng Tám, tỷ lệ lấp phòng khách sạn và lượng hành khách bay nội địa đã tăng trở lại, đạt 90% con số cùng kỳ năm 2019. Ngành vận chuyển hành khách bằng đường sắt cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.
Kể từ tháng 5, tất cả các loại hình du lịch nội địa – bao gồm cả các chuyên du lịch ngắn ngày tại chỗ, quãng đường ngắn và quãng đường dài trong nội địa cũng như công tác trong nước – đã phục hồi đáng kể. Mặc dù có các đợt bùng phát nhỏ nhưng nhờ cách tiếp cận bằng việc xét nghiệm hàng loạt, chính quyền Trung Quốc đã kiểm soát tốt Covid-19.
Người dân cũng bắt buộc phải sử dụng một ứng dụng trên điện thoại và quét mã QR để lưu lại hành trình của mình, điều sẽ giúp công tác truy vết sau này nếu phát hiện ca nhiễm mới. Khẩu trang luôn luôn là bắt buộc ở các khu vực công cộng.
Do biên giới vẫn đóng cửa đối với mục đích du lịch nước ngoài, các dịch vụ giải trí và thư giãn hạng sang tại Trung Quốc đại lục chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu. Tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khách sạn hạng sang và cao cấp đã đạt mức 85% của năm 2019 trong cuối tháng Tám, cho thấy tốc độ hồi phục nhanh hơn đáng kể so với các khách sạn tầm trung và phổ thông.
Trong tháng 9, giá phòng trung bình cho các khách sạn 5 sao trên các đại lý du lịch trực tuyến của Trung Quốc đã tăng từ 10 đến 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đối với các chuyến du lịch trong ngày nghỉ lễ Quốc khánh vào tháng 10. Người dân Trung Quôc cũng tích cực đến các địa điểm ở phía Tây nước này cũng như đảo Hải Nam, nơi có phong cảnh đẹp và nhiều hoạt động vui chơi ngoài trời.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành và du lịch đã giảm giá ngay sau cuộc khủng hoảng để cạnh tranh và kích cầu khách hàng. Một số hãng hàng không, trong đó có China Eastern Airlines, cung cấp vé máy bay không giới hạn và giá vé trung bình trên toàn quốc cũng giảm khoảng 40% kể từ tháng 1 đến tháng 6.
Ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc là giữ tỷ lệ lây nhiễm gần bằng 0, vì các đợt bùng phát ở bất cứ khu vực nào sẽ làm gián đoạn đáng kể nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày của người dân. Vì ưu tiên này, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa thiết lập “bong bóng du lịch” với bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào. Tuy nhiên người dân tỉnh Quảng Đông có thể đi du lịch tới đặc khu hành chính Macau từ tháng 8 năm nay.
Những kinh nghiệm từ Trung Quốc
Những xu hướng du lịch sau dịch ở Trung Quốc có thể không phù hợp để áp dụng với tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước áp dụng chiến lược “cân bằng và kiểm soát” thay vì dập dịch quyết liệt. Tuy nhiên đối với những quốc gia đã kiểm soát tốt dịch trong đó có Việt Nam thì thị trường du lịch nội địa Trung Quốc rõ ràng đã cung cấp một thí nghiệm về cách hồi phục sau đại dịch.
Xây dựng lại nhu cầu và thúc đẩy sức mua (dựa trên việc giảm giá và bán trước các tour du lịch) là chìa khóa trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Khi nhu cầu và niềm tin khách hàng gia tăng trở lại, những chỉ số như tỷ lệ phòng trống hay số các chuyến bay nội địa hoàn toàn có thể đạt mức như trước khi đại dịch diễn ra. Các công ty lữ hành và du lịch cần tìm cách kết hợp các dải sản phẩm của họ lại thành một gói, qua đó có cơ hội bán thêm và bán kèm dịch vụ.
Các khách sạn và cơ sở nghỉ dưỡng cần đa dạng hóa nguồn doanh thu trong bối cảnh nhu cầu của thị trường có sự thay đổi. Một số khách sạn hạng sang ở Thượng Hải đã mở bán trải nghiệm “thưởng trà trên ban công” để thu hút những khách hàng trẻ tuổi. Việc xây dựng một trải nghiệm trực tuyến cũng là điều cần thiết vì nó có thể giúp tạo ra nhu cầu thực tế trong tương lai. Các bảo tàng và vườn thú đã xây dựng chuyến tham quan bằng video để du cách từ mọi nơi trên thế giới biết đến sản phẩm của họ.
Việc kích thích nhu cầu nội địa có thể được thực hiện thông qua việc tập trung vào các điểm đến mới nổi trong nước, đặc biệt là những nơi mang lại trải nghiệm giải trí ngoài trời. Điều này có thể được thực hiện tốt nhất thông qua việc hợp tác với chính quyền địa phương hoặc các bên khác liên quan đến hệ sinh thái du lịch, như các công ty lữ hành trực tuyến, điểm đến, khách sạn và hãng hàng không.
Đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội hiếm có để đẩy nhanh sự phổ biến của các công cụ di động và kỹ thuật số. Do đó, việc xây dựng các trải nghiệm kỹ thuật số sẽ là điều thiết yếu. Ở Trung Quốc, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông là nguồn cảm hứng và nguồn thông tin chính để mọi người đưa ra quyết định về chuyến đi của mình.
Các công ty lữ hành trực tuyến và khách sạn đang sử dụng livestream như một kênh bán hàng hiệu quả, thúc đẩy doanh số trong lúc mọi người có nhiều thời gian ở nhà. Một số địa điểm tham quan cũng xây dựng trải nghiệm “du lịch đám mây” để tăng mức độ tương tác kỹ thuật số và đa dạng hóa các luồng doanh thu thông qua việc bán sản phẩm trực tuyến theo chủ đề.
Xem thêm:
;;;