Từ lâu, lễ hội ở Hội An được xem như một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của người dân phố cổ. Đây là dịp hấp dẫn để bạn du lịch, hiểu hơn về văn hóa phố cổ và có những trải nghiệm thật mới lạ và thú vị.
1. Lễ hội đêm rằm phố cổ Hội An (lễ hội hoa đăng)
- Địa điểm: Khu phố cổ Hội An
- Thời gian diễn ra: 18:00 - 22:00, đêm 14 âm lịch mỗi tháng
Lễ hội đêm rằm còn hay lễ hội hoa đăng ở Hội An đã trở thành biểu tượng của phố cổ. Đến với lễ hội, bạn sẽ được hòa mình vào không gian rực rỡ của những ánh đèn lồng đủ màu sắc và tham gia hoạt động thả đèn hoa đăng trên sông Hoài với ý nghĩa cầu mong may mắn, sức khỏe…
Với các cặp đôi du lịch Hội An, việc thả đèn lồng còn mang ý nghĩa cầu mong tình yêu luôn bền vững. Tham gia lễ hội ở Hội An này, bạn còn được tận hưởng không khí ấm áp và có được những bức ảnh lung linh, thơ mộng cùng ánh đèn lồng.
2. Lễ hội Trung thu Hội An - Ngập tràn đèn lồng sắc màu lung linh, ảo diệu
- Địa điểm: Khu phố cổ Hội An
- Thời gian diễn ra: Rằm tháng 8 âm lịch hằng năm
Tết Trung Thu là lễ hội được tổ chức nhộn nhịp trên khắp cả nước. Đây cũng là dịp Hội An sáng rực dưới ánh đèn lồng vào ngày trăng tròn, sáng nhất trong năm. Khắp các con phố đều được trang trí đèn lồng rực rỡ, người dân địa phương và du khách sẽ cùng tham gia rước đèn, phá cỗ…
Đặc biệt, bạn còn bắt gặp những đoàn múa lân nhộn nhịp trên đường phố, cùng với đó là hình ảnh của những trẻ em vui đùa cùng nhau. Tất cả sẽ mang đến những ấn tượng khó phai và đặc biệt về lễ hội ở Hội An trong dịp Tết Trung thu.
3. Lễ hội bà Thu Bồn - Lễ hội hấp dẫn đông đảo du khách thập phương
- Địa điểm: Dinh Bà, Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam
- Thời gian diễn ra: Ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm.
Lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức đơn giản nhưng cũng không kém phần trang trọng với các hoạt động truyền thống đặc sắc như: thi làm bánh, hát đối đáp, chơi cờ người, kéo co… Lễ hội thu hút đông đảo du khách du lịch Hội An tham gia trải nghiệm và hòa vào không khí của những trò chơi dân gian đầy sôi nổi. Đây là lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ đến bà Thu Bồn - người đã đem đến nghề nông, ngư nghiệp và phù hộ cho công việc của người dân được thuận buồm xuôi gió.
4. Lễ vía bà Thiên Hậu - Lễ hội ở Hội An đặc sắc
- Địa điểm: Hội Quán Phúc Kiến, Hội quán Ngũ Bang
- Thời gian diễn ra: Ngày 23/3 âm lịch hằng năm
Lễ vía bà Thiên Hậu có nguồn gốc từ Trung Hoa, được tổ chức với ý nghĩa tưởng nhớ và biết ơn bà Thiên Hậu đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa ngoài biển khơi để thương lái làm ăn yên ổn. Trong buổi lễ, người chủ trì sẽ đọc diễn văn bằng tiếng Hoa ca ngợi công lao của bà Thiên Hậu đã dành cho người dân.
Đồng thời, lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động nhộn nhịp như: múa lân, biểu diễn văn nghệ, xin xăm… Đây chính là dịp để du khách hiểu hơn về văn hóa địa phương và hòa vào không khí lễ hội nhộn nhịp. Hội Quán Phúc Kiến cũng là một trong những địa điểm du lịch Hội An rất nổi tiếng được nhiều du khách yêu thích, check-in.
5. Lễ vu lan - Lễ hội truyền thống ở phố cổ Hội An
- Địa điểm: Các ngôi chùa ở Hội An và khu phố cổ bên dòng sông Hoài.
- Thời gian diễn ra: Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm.
Vu Lan là lễ báo hiếu cha mẹ được tổ chức trên khắp cả nước vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Ở Hội An, dịp lễ này được tổ chức rất lớn với các hoạt động tắt điện và thả đèn hoa đăng vào lúc 19 giờ. Tất cả tạo nên khung cảnh rực rỡ, yên bình trên khắp phố cổ. Lễ vu lan mang nhiều ý nghĩa giúp con cái thể hiện tấm lòng hiếu thảo, trân quý công ơn của cha mẹ, ông bà đã sinh thành, nuôi dưỡng. Đây chính là nét đẹp văn hóa đã được giữ gìn qua nhiều thế kỷ.
6. Lễ tế Cá Ông cầu mong “sóng yên biển lặng”
- Địa điểm: Lăng Ông tại làng chài Hội An, Quảng Nam
- Thời gian diễn ra: Giữa tháng 3 âm lịch hằng năm
Đây là một trong những lễ hội truyền thống và được tổ chức lớn nhất ở Hội An, mang ý nghĩa đặc biệt đối với ngư dân làng chài. Lễ hội nhằm tỏ lòng biết ơn đối với cá Ông đã phù hộ cho sóng yên biển lặn, giúp ngư dân có một mùa đánh bắt bội thu và trở về an toàn.
Trong lễ hội ở Hội An này, người dân sẽ dâng đồ tế lễ (không dùng hải sản) và các tàu thuyền sẽ trang trí đèn lồng sáng rực. Nghi lễ được tổ chức trong đêm và hàng loạt tàu thuyền sẽ cùng làm lễ rước trên biển vào rạng sáng hôm sau. Du lịch Hội An vào dịp này, bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí lễ hội nhộn nhịp, linh thiêng và chiêm ngưỡng những đoàn tàu rực rỡ…
7. Lễ hội Cầu Bông - Lễ hội Hội An độc đáo, thu hút nhiều du khách
- Địa điểm: Làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hòa
- Thời gian diễn ra: Ngày 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm
Lễ hội Cầu Bông khá nổi tiếng và độc đáo ở Hội An. Đây là dịp đặc biệt để người dân bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc tiền nhân đã có công khai phá ra làng rau Trà Quế. Tham gia lễ hội ở Hội An, du khách sẽ được hóa thân thành một nông dân đích thực tham gia các hoạt động trồng rau, thu hoạch.
Du khách còn có dịp trổ tài nội trợ của mình qua cuộc thi trang trí, bày biện rau củ theo chủ đề của mỗi năm. Lễ hội là nét văn hóa nổi bật và cũng là cơ hội kết nối để du khách hiểu hơn về cuộc sống của người dân làng rau Trà Quế.
8. Lễ hội ở Hội An nổi tiếng - Lễ rước Long Chu – Hội An
- Địa điểm: Các làng biển của thị xã Hội An
- Thời gian diễn ra: Rằm tháng Giêng và rằm tháng 7 hằng năm.
Lễ rước Long Chu còn gọi là lễ hội thuyền rồng với ý nghĩa rước vua chúa, thần tướng để xua đuổi tà ma, bảo vệ người dân có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Long Chu được các nghệ nhân lành nghề thực hiện kỳ công từ tre, trang trí ở hai đầu thuyền và buộc hình nhân, cắm cờ, lọng phía trong.
Buổi lễ sẽ được các thầy phù thủy đảm nhận làm lễ, người dân đốt pháo chờ Long Chu rước đến rồi giật bùa mang về treo trước cửa nhằm xua đuổi tà ma. Đây là lễ hội tâm linh, trang trọng và cũng là dịp để du khách hiểu hơn về những nét độc đáo trong văn hóa lễ hội ở Hội An.
9. Lễ hội làng gốm Thanh Hà với nhiều hoạt động hấp dẫn
- Địa điểm: Làng gốm Thanh Hà
- Thời gian diễn ra: Ngày 10 tháng 7 âm lịch hằng năm
Đây là lễ giỗ tổ nghề gốm được tổ chức nhằm tri ân các bậc nghệ nhân góp công sức xây dựng làng gốm Thanh Hà từ những năm của thế kỷ 16. Lễ hội không chỉ đơn thuần thể hiện nét đẹp văn hóa mà còn mang tính giáo dục thế hệ sau phải bảo vệ, giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp của làng nghề.
Tham gia vào lễ hội ở Hội An vào dịp này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nghi lễ rước kiệu thần chủ đi qua khắp các ngả đường để tế lễ. Lễ hội làng gốm Thanh Hà còn có nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi nổi thu hút hàng nghìn lượt du khách tham gia như: múa lân, văn nghệ, các trò chơi dân gian về gốm…
10. Lễ hội tết Nguyên tiêu
- Địa điểm: Khu phố cổ Hội An
- Thời gian diễn ra: Rằm tháng Giêng hằng năm
Tết Nguyên tiêu mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới an lành. Đây là dịp người dân tổ chức các nghi lễ cúng bái, giải hạn, cầu an. Tại Hội An, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động thú vị cùng các trò chơi dân gian ở khắp khu phố cổ như: bịt mắt đánh trống, hô hát Bài chòi, gấp giấy Origami, gấp lá dừa… Tất cả mang đến khung cảnh nhộn nhịp giúp du khách có những trải nghiệm thú vị trong chuyến du lịch tự túc đến với nơi đây.
11. Lễ giỗ tổ làng Mộc Kim Bồng
- Địa điểm: Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An.
- Thời gian diễn ra: Mùng 6 tháng giêng hằng năm.
Lễ giỗ tổ làng mộc Kim Bồng được tổ chức linh đình hàng năm để tưởng nhớ công đức của các vị tổ nghề mộc đồng thời nhắc nhở thế hệ sau về cội nguồn, gốc rễ của mình. Phần lễ được diễn ra tại đình dưới sự chủ trì của các bô lão trong làng. Sau phần nghi lễ, các cơ sở, hộ sản xuất nghề mộc tiến hành cúng tổ và phát mộc tại cơ sở và hộ gia đình của mình.
Sau phần lễ, phần hội được diễn ra ở trung tâm làng nghề với nhiều hoạt động thú vị như: trình diễn nghề chạm trổ, đan rổ, dệt chiếu, chợ quê… Lễ hội ở Hội An này thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo du khách.
12. Lễ giỗ tổ nghề Yến
- Địa điểm: Xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm
- Thời gian diễn ra: Mùng 9 và 10 tháng Ba âm lịch
Lễ giỗ tổ nghề yến được tổ chức với ý nghĩa tưởng niệm, tri ân các bậc tiền bối đã có công trạng đối với nghề Yến Sào và cầu mong biển trời phù hộ. Lễ hội đồng thời còn giúp người làm nghề nâng cao niềm tự hào và có ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng biển đảo.
Đây còn là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng nhằm giới thiệu và quảng bá nghề truyền thống đặc trưng của cư dân sông nước Hội An. Lễ giỗ tổ nghề Yến có nhiều hoạt động thú vị như: đua ghe ngang, kéo co bằng thuyền trên biển, hội Bài Chòi, biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, chợ ẩm thực món ngon Cù Lao Chàm, tour tham quan thắng cảnh biển đảo… Đây thực sự là dịp thú vị để bạn du lịch và ghé thăm Hội An.
Để thuận tiện cho việc tham gia và sống trong không khí náo nhiệt của lễ hội ở Hội An thì Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An là nơi lưu trú tuyệt vời cho chuyến du lịch của bạn.
Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An gây ấn tượng với du khách bằng những công trình tuyệt tác giao hòa giữa phong cách kiến trúc đương đại và vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên: tòa khách sạn trong dáng hình của đôi cánh buồm khổng lồ hướng về phía bờ biển Bình Minh nguyên sơ dài 1.3km, bể bơi tràn viền hình vỏ trai, villa duplex sang chảnh...
>>> Đặt phòng Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An với nhiều ưu đãi hấp dẫn
Chiêm ngưỡng không gian cổ kính, hòa mình vào không khí náo nhiệt với những trải nghiệm thú vị trong các lễ hội ở Hội An sẽ là những điều tuyệt vời mà bạn có được khi đến phố cổ - vùng đất di sản. Đặc biệt, hành trình của bạn sẽ càng trở nên trọn vẹn khi tận hưởng không gian nghỉ dưỡng đẳng cấp của Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An và tham gia nhiều hoạt động vui chơi thú vị cùng công viên VinWonders Nam Hội An.