Trong những địa điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội, không thể không nhắc tới chùa Đậu. Ngôi chùa Hà Nội này là một quần thể kiến trúc đặc biệt, mang những nét nghệ thuật của các vương triều lịch sử Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Với không gian thanh tịnh, chùa Đậu đã thu hút nhiều phật tử và khách tham quan gần xa ghé đến dâng hương, thưởng ngoạn.
1. Giới thiệu về chùa Đậu
Chùa Đậu còn có những tên gọi khác là Pháp Vũ Tự, Thành Đạo tự,... Ngôi chùa này gắn liền với thời kỳ Phật giáo du nhập vào khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Chùa Đậu ngoài thờ Phật còn thờ những vị thần linh thiêng với cư dân nông nghiệp như: Pháp Vũ, Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Thời kỳ vua Lê Thần Tông (thế kỷ 17), chùa Đậu được phong là “Đệ nhất danh lam”. Các bậc vua chúa, vương tôn công tử họ Lê, họ Trịnh thường tới tham quan, bỏ công, góp của để tu tạo chùa. Đặc biệt, sử sách còn ghi lại, các bậc vua quan khi tới đây lễ bái, cầu an đều rất linh ứng.
Tới nay, chùa Đậu vẫn lưu giữ nhiều di vật quý giá. Với bề dày lịch sử, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, từ năm 1964, chùa Đậu đã được xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A.
>>> Bỏ túi: Du lịch Hà Nội với trọn bộ bí kíp đầy đủ vui quên lối về
2. Chùa Đậu ở đâu? Đường đi chùa Đậu
Chùa Đậu tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa này cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km. Trước kia, khu vực Thường Tín thuộc tỉnh Hà Tây cũ (hiện tại đã là Hà Nội). Vì vậy, nhiều du khách vẫn có thói quen tìm chùa Đậu Hà Tây thay vì chùa Đậu Hà Nội như hiện tại.
Từ trung tâm thành phố Hà Nội, để đi tới chùa Đậu, bạn có thể lựa chọn 2 cách di chuyển như sau:
Đi phương tiện cá nhân: Di chuyển theo Quốc lộ 1A cũ hướng Thường Tín. Khi tới xã Nguyễn Trãi, bạn rẽ phải, di chuyển thêm khoảng 2km là có biển chỉ dẫn tới chùa.
Đi xe bus: Bạn lên tuyến bus số 06 Giáp Bát - Phú Xuyên, xuống xe ở bến Quất Động. Tiếp theo, gọi xe rẽ vào hướng khu công nghiệp Quất Động, đi thêm khoảng 1,7km sẽ gặp biển chỉ dẫn đi tới chùa Đậu Thường Tín.
>>> Tìm hiểu thêm: 19 ngôi chùa Hà Nội linh thiêng, thu hút nhiều du khách
3. Chùa Đậu có gì đặc biệt?
Chùa Đậu nổi tiếng với hàng triệu du khách gần xa nhờ bề dày lịch sử, văn hóa cùng những giá trị kiến trúc, mỹ thuật độc đáo.
3.1. Lưu giữ những di vật và cấu kiện kiến trúc quý
Đến nay, chùa Đậu vẫn còn lưu giữ các di vật và cấu kiện kiến trúc quý. Đó là: Hệ thống bia cổ, gạch thời Mạc trang trí hình thú, rồng, cá hóa long, nhiều loại hoa lá... Nổi bật chính là những mảng chạm gỗ tỉ mỉ, tinh xảo, mang đậm phong cách mỹ thuật thời Lê trung hưng.
Chùa Đậu hiện vẫn gìn giữ trọn vẹn hiện vật quý là đôi rồng đá thời Trần ở bậc thềm nhà tiền đường. Đôi rồng này cũng được Bảo tàng Lịch sử quốc gia “sao chép lại” 1 bản để trưng bày ở sân vườn bảo tàng tại Hà Nội.
Ngoài ra, chùa Đậu còn lưu giữ cuốn sách quý bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp - khoảng đầu thế kỷ thứ 3 (năm 200 - 210). Nội dung sách ghi lại: Một lần Quách Thông trên đường hành đạo tới làng Gia Phúc, thấy thế đất nơi đây tựa như 1 bông sen đang nở. Nghe đồn năm đó nơi đây có luồng linh khí phát quang nên Quách Thông đã trình lên Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp cho rằng đây là nơi đất Phật, cho lập chùa để người dân trong vùng làm chốn tu nguyện.
3.2. Lưu giữ hai pho tượng được tạo từ di hài của hai vị thiền sư
Đặc biệt, chùa Đậu còn nổi tiếng là nơi lưu giữ 2 pho tượng được tạo từ di hài của 2 vị thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh.
Pho tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Trường hiện đã hư hại ít nhiều. Còn pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh hiện vẫn tương đối nguyên vẹn. Pho tượng cao 59cm, nặng 7kg, 2 tay chắp trước bụng, 2 chân bắt chéo theo tư thế kiết già, người hơi cúi về phía trước. Trải qua gần 4 thế kỷ, pho tượng vẫn giữ được nét mặt an nhiên siêu thoát, phảng phất bờ môi thoáng cười niềm hạnh phúc vô biên bất diệt.
Thiền sư Vũ Khắc Minh có pháp danh là Đạo Chân, viên tịch vào khoảng năm 1638. Thiền sư Đạo Chân đã trụ trì chùa Đậu nhiều năm. Theo huyền tích dân gian, trước khi viên tịch, nhà sư đã dặn các đệ tử rằng: “Sau khi nghe tắt tiếng mõ 7 ngày, hãy mở cửa am ra. Nếu thấy ta ngã thì an táng như bình thường, nếu ta còn ngồi thì làm theo cách này…”.
Sau đó thiền sư nhập thất, đóng kín cửa. Theo đúng lời thầy dặn, sau 7 ngày im tiếng mõ, các đệ tử mở cửa am vẫn thấy nhà sư trong tư thế thiền định, không có mùi hôi. Các đệ tử liền làm theo cách được ông hướng dẫn để tạo hình pho tượng.
Pho tượng tạo từ di hài của thiền sư Vũ Khắc Minh hoàn toàn không giống những cách ướp xác đã biết trên thế giới. Cho tới nay, người ta vẫn chưa tìm được tài liệu lý giải về phương pháp tạo tượng này. Thậm chí, hiện không có tư liệu về việc ông tu theo hệ phái nào trong Phật giáo Việt Nam.
>>> Gợi ý: Du lịch gần Hà Nội 1 ngày - TOP địa điểm ăn chơi vừa KHỎE vừa VUI
4. Hội chùa Đậu diễn ra khi nào?
Lễ hội chùa Đậu diễn ra trong 3 ngày từ 8 - 10 tháng giêng âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, thông thường thì từ mùng 1 Tết đã tấp nập người dân đến chùa vãn cảnh, cầu an. Sau đó, càng gần chính hội thì càng nhiều du khách từ khắp nơi đổ về chiêm bái, thưởng ngoạn.
Điểm nhấn của lễ hội chùa Đậu là nghi lễ rước kiệu từ các thôn, thường diễn ra vào ngày 9 tháng giêng. Theo truyền thống, kiệu của 9 thôn sẽ do các thanh niên trai tráng trong làng rước vào sân chùa rồi xoay tròn, xô đẩy trước khi bước vào chính điện. Tương truyền, kiệu của thôn nào xoay tít hơn thì thôn ấy sẽ gặp nhiều may mắn, sung túc trong cả năm.
Đặc biệt, sau chuyến tham quan chùa Đậu, bạn và gia đình có thể ghé qua Times City (chỉ cách chùa Đậu khoảng 25km) để tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần đầy thú vị tại thủy cung Vinpearl Aquarium và khu vui chơi VinKE.
Với tổng diện tích lên tới 10.000m2, thủy cung Times City và khu vui chơi giáo dục VinKE mang đến cho cả gia đình vô vàn trải nghiệm đáng nhớ.
Thủy cung Vinpearl Aquarium Times City có diện tích gần 4.000m2, là nơi sinh sống của hơn 30.000 sinh vật biển. Vinpearl Aquarium gồm 3 phân khu riêng: Khu nước ngọt - rừng nguyên sinh, khu hang động bò sát và khu nước mặn. Đặc biệt, du khách còn được chiêm ngưỡng màn biểu diễn Nàng tiên cá, chương trình cho cá ăn, cho chim cánh cụt ăn, làm quen với bò sát...
Khu vui chơi VinKE có tổng diện tích 6.000m2, là nơi hội tụ của những trò chơi có tính giáo dục cao cho trẻ nhỏ. Điểm nhấn ấn tượng của VinKE là khu hướng nghiệp với nhiều mô hình thực tế như bệnh viện, sở cứu hỏa, đài truyền hình... Thông qua những trải nghiệm mô phỏng nghề nghiệp, các bé sẽ phần nào có định hướng rõ hơn về tương lai cho mình. Bên cạnh đó, khu trò chơi vận động và khu máy trò chơi cũng giúp bé có những phút giây giải trí thú vị.
Booking vé vào VinKE & Vinpearl Aquarium
Chùa Đậu là chốn linh thiêng đối với người dân địa phương và du khách thập phương. Nếu có thời gian, hãy ghé qua ngôi cổ tự trăm năm này để thưởng ngoạn cảnh đẹp và cầu an cho cả gia đình bạn nhé!