“Về quê ăn Tết” với người Việt không chỉ là cuộc hành hương về với cội nguồn, cùng nhau quây quần bên mâm cơm cỗ bàn, mà còn là dịp để chia sẻ niềm vui, ước vọng năm mới và tưởng nhớ về tổ tiên. Do điều kiện địa lý, khí hậu, văn hoá khác nhau mà các mâm cỗ cũng có những hình thức thể hiện hết sức phong phú, chia ra ba miền Bắc - Trung - Nam và Chay dựa trên những sản vật bản địa được thiên nhiên ưu ái, thông qua tài nghệ của nghệ nhân mà chế tác thành các mâm cỗ truyền thống mang hương vị riêng.
Với tâm huyết gìn giữ và phát huy ẩm thực truyền thống, đưa tinh hoa ẩm thực Việt vươn xa thế giới, Vinpearl đã mang đặc trưng ẩm thực Tết Việt thông qua 12 mâm Quốc cỗ với hơn 200 món ăn đến từ khắp vùng miền đất nước dưới bàn tay của 20 nghệ nhân ẩm thực hàng đầu quy tụ tại Phú Quốc United Center, để du khách có dịp khám phá hành trình mỹ vị đầy cảm xúc.
Tinh hoa đất Bắc – ngàn năm văn hiến
Người xưa có câu “Ăn Bắc mặc Nam”, mâm cỗ Miền Bắc thường tuân theo quy luật truyền khẩu “bất thành văn” trong dân gian 4 bát 6 đĩa, 6 bát 8 đĩa, 8 bát 8 đĩa… phải có nếp có tẻ, có âm có dương, có khô có nước và có các món đặc thù thể hiện văn hoá đô thành. Người nấu cỗ phải biết sử dụng nguyên liệu “mùa nào thức nấy”, chế biến dung dị, hương vị hài hòa giữa ngọt – mặn – chua – cay – đắng, đặc biệt người miền Bắc coi trọng sự cân bằng âm dương. Điều này cũng được thể hiện ở các món ăn trên mâm cỗ luôn biểu thị Trời tròn – Đất vuông với bánh chưng đặt cạnh khoanh giò, hay ngũ hành tương sinh luân chuyển với đĩa xào ngũ sắc. Với niềm đam mê và nỗ lực gìn giữ ẩm thực truyền thống, ba mâm cỗ Bắc đã được nghệ nhân Lê Thị Thiết, nghệ nhân Lý Thị Chiên và nghệ nhân Phạm Văn Nghĩa kỳ công thực hiện, giúp du khách có cơ hội được tận hưởng hương vị Tết cổ truyền đã được lưu giữ qua bao đời.
Nổi bật nhất là mâm cỗ Thăng Long Hà Nội, mang đậm bản sắc đất Tràng An xưa. Các món ăn trên mâm cỗ phải có đủ sản vật, tựu trung trong 4 chữ “giò, nem, ninh, mọc”. 21 món ăn, ngay từ cái tên như nộm ngũ sắc tôm thịt, gà hấp hoa sen, cá sốt ngũ liễu, gà thuốc tần hồng sâm, xôi Phú Thượng… đã gợi lên hương vị tròn đầy, màu sắc đa dạng, đậm nét của thủ đô “ngàn năm văn hiến”, biểu thị lòng thành kính của con cháu tiến dâng lên ông bà tổ tiên.
Trong khi đó mâm cỗ Trấn Sơn Nam Hạ lại mang tinh tuý vùng phía Nam Thăng Long - Nam Định, nơi từng là đất kinh kỳ tổ nghiệp từ thời Lê Sơ đến nhà Nguyễn tinh chọn từ sản vật xưa dùng để tiến vua như gà tiến vua, đậu tiến vua cuốn rau xanh hay chuối ngự bên cạnh các món dân dã như nem nắm, xôi kê, cá kho… tạo nên “mâm cao cỗ đầy”, tượng trưng cho lòng thành kính với tổ tiên, sự hiếu khách của chủ nhà khi mời khách ngày xuân.
Còn mâm cỗ Tày Nùng Việt Bắc, là sự tổng hòa các món ăn của 30 dân tộc anh em sinh sống (Tày, Nùng, H'mông, Dao, Lô Lô, Pà Thẻn, Sa Phó…). Dưới sự chế biến của nghệ nhân, mâm cỗ Tết đủ màu sắc tự nhiên trắng, đỏ, vàng, xanh lục và đen của bánh chưng đen, xôi ngũ sắc, khâu nhục, mắc khén, nặm thang… hiện lên như một tấm thổ cẩm muôn màu sặc sỡ sắc xuân, cũng như sự đoàn kết của các dân tộc miền biên cương Đông Bắc đất nước, vừa đa dạng, ngon, lành, xua đi cái lạnh đầu xuân.
Hương vị miền Trung – nét đẹp cố đô lưu truyền trăm năm
Miền Trung có Kinh thành Huế - nơi trị vị của vương triều nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của nước Việt nên giá trị tinh hoa ẩm thực văn hoá cung đình gần như còn nguyên bản. Vùng đất này chẳng những là nơi địa linh nhân kiệt, có hàng nghìn ngôi chùa, mà còn là nơi giao thoa giữa ẩm thực miền Bắc và miền Nam.
Mâm cỗ của người miền Trung vừa mang vị béo của miền Bắc, lại thêm chua ngọt của miền Nam, nhưng nổi bật hơn cả là cay và mặn. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng lý do sâu xa của đặc trưng ẩm thực này là vì từ khi theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, cư dân Việt đã học tập người Chăm về việc sử dụng gia vị cay để chống lại cái lạnh, mưa dầm của mảnh đất này, như một phương thức để thích nghi và sinh tồn chốn rừng thiêng nước độc.
Trong các mâm Quốc cỗ miền Trung, ấn tượng nhất là mâm cỗ cung đình Kinh đô Huế. Đây là mâm cỗ vốn dùng trong triều nội, phủ đệ, kết hợp bởi rất nhiều món sơn hào hải vị được dâng tiến từ các miền. Nếu trước đây mâm cỗ phải có đủ bát trân (nem Công, chả Phượng, da Tây Ngưu, bàn tay Gấu, gân Nai, môi Đười ươi, thịt chân Voi, Yến sào) thì nay dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân các món ăn được tinh chọn, thể hiện dưới hình dạng nem hình công, chả hình phượng, bát bửu, súp yến… cắt tỉa, bài trí tinh tế đầy nghệ thuật.
Nếu mâm cỗ cung đình thể hiện sự khéo léo của đội thượng thiện hoàng cung triều Nguyễn thì mâm cỗ dân gian miền Trung (xưa) lại hội tụ đầy đủ hương vị sắc màu biển cả, đầm phá, ruộng vườn – những cảnh sắc gắn bó nhiều đời với người dân vùng đất lam lũ tần tảo bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vị chua cay béo bùi với cách chế biến nướng, ram, kho, trộn, xào…
Bày biện lạ mắt nhất chính là mâm cỗ Tây Sơn nét văn hoá ẩm thực đặc trưng của vùng quê xứ Nẫu, khi các món ăn theo bộ luôn được xếp chồng theo từng tầng, thể hiện quan điểm “mâm cao cỗ đầy”. Nổi tiếng là xứ Võ, Bình Định mang trong mình nét văn hoá trải dài từ thời Đồ Ban - Chămpa đến triều đại Tây Sơn, nền văn hoá ẩm thực cũng mang tính triết lý thượng võ. Hùng kê hiến tế hay Chim mía phố phong, Vịt tiềm giáo hiến cùng món uống hồng tửu Vijaya, nước mắt Ngọc Trân đều tạo nên nét đặc trưng không thể nào quên của cỗ Tây Sơn.
Ba mâm cỗ được chế biến khéo léo và tỉ mỉ bởi nghệ nhân Lê Công Hùng, nghệ nhân Lê Hồng Sơn, nghệ nhân Nguyễn Văn Long, và nghệ nhân Phạm Văn Phương đã giúp ẩm thực miền Trung hiện lên như một bức tranh sống động, ngon miệng và đẹp mắt, đưa du khách bước vào hành trình khám phá những đặc trưng ẩm thực Trung Bộ đầy độc đáo.
Phóng khoáng miền Nam – đất phù sa hội tụ
Nam Bộ là vùng đất trù phú về các nguồn lợi tự nhiên sở hữu những con sông đầy ắp phù sa, kênh, rạch chằng chịt, cho đến vựa lúa chính của cả nước, vựa trái cây nổi tiếng… Không chỉ vậy, do quy tụ nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, lại sớm du nhập ảnh hưởng phương Tây, ẩm thực miền Nam được dung hợp những đặc trưng văn hóa khác nhau như: ẩm thực Bắc Bộ, Trung Bộ cùng các nền ẩm thực khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Campuchia… với hương vị đặc trưng là ngọt của đường và béo của nước cốt dừa. Từ đó, tạo nên các mâm Quốc cỗ đa dạng như: mâm cỗ dân tộc Chăm & Khmer Nam bộ, mâm cỗ truyền thống của người Hoa… Với bàn tay khéo léo và tâm huyết của nghệ nhân Lý Sanh, nghệ nhân Diệp Chấn Hưng, nghệ nhân Trần Ngọc Nghĩa, và nghệ nhân Nguyễn Văn Bền, ba mâm cỗ đặc sắc của miền Nam hiện lên đầy hấp dẫn, cuốn hút tái hiện chân thực ẩm thực vùng đất nơi đây.
Mâm Quốc cỗ miền Nam mang đặc trưng của khí hậu cận xích đạo, các món ăn phần lớn là đồ nguội nhằm xua đi cái nóng của thời tiết. Những món ăn cơ bản như bánh tét, bánh tráng, thịt kho tàu, canh khổ qua, dưa cải củ kiệu… nhìn giản dị nhưng lại mang đầy ẩn ý về sự ấm no, sung túc cho năm mới, để cái khổ đi qua, đón hạnh phúc ngọt ngào đến nhà. Không những thế, những món ăn đậm vị địa phương như lạp bò của người Chămpa, cù lao (lẩu thập cẩm) người Hoa, cóm kẹp trộn dưa của người Khmer hay bánh tét trà cuôn của Sóc trăng là sự ý nhị về tình cảm khăng khít giữa nhiều dân tộc nơi vùng đất phía Nam tổ quốc.
Mâm cỗ truyền thống dân tộc Chăm - Khmer Nam Bộ lại thấm đẫm tinh thần Phật giáo và Ba-La-Môn giáo, với lễ hội Óoc - om - bok giã cốm dẹp hay ngày tết Roya đượm tình yêu thương với truyền thống chia ngọt sẻ bùi, người có của chia cho người khó khăn. Đây là mâm cỗ với nhiều món ăn có tên gọi bằng tiếng dân tộc nhất trong các mâm Quốc cỗ Việt Nam.
Mâm cỗ truyền thống người Hoa lại gây ấn tượng với những cái tên ý nghĩa như kim kê báo xuân, kim ngọc mãn đường, hảo hảo bách hợp, hợp gia đoàn viên, trường thọ đào tiên… với mục đích là dùng món ăn để thay cho câu chúc đầu năm và hy vọng mọi người sau buổi cơm sẽ được may mắn cả năm như ý nghĩa lời chúc tốt đẹp đó.
Cỗ chay thanh đạm - hiếu hạnh tròn đầy
Là đất nước nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho cây trồng phát triển quanh năm, ngay từ thời “lập nước” các món chay đã xuất hiện trong bữa ăn của người Việt. Thời phong kiến trước khi tế trời ở Đàn Nam Giao, nhà vua sẽ tiến hành trai giới, diệt dục để dọn mình “sạch sẽ” trước khi đứng vào vị trí chủ tế. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cùng với lối ăn chay tu hành, gắn kết với nền tảng văn hóa ăn chay có sẵn ấy đã làm giàu và phong phú thêm cho ẩm thực tinh hoa dân tộc.
Với người Việt ăn chay không chỉ để tốt cho sức khỏe, trân trọng sinh linh mà còn giúp mở lòng bao la như biển cả, thân tâm tự tại, buông bỏ ưu phiền, an yên hạnh phúc. Chính bởi vậy, các đầu bếp Vinpearl đã đồng hành cùng chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh và nghệ nhân Nguyễn Hồ Tiếu Anh tạo nên ba mâm cỗ chay thanh lành, giúp bạn và gia đình tái tạo năng lượng tích cực cho một năm mới bình an.
Mâm cỗ chay Việt Nam Nghinh Xuân mang ý nghĩa “tống cựu nghinh xuân” làm sống lại nét đẹp văn hoá ẩm thực Việt với các món chế biến từ “hạt ngọc của trời”: gạo nếp và ngũ cốc. Những món ăn giàu dinh dưỡng, hài hòa cân bằng ngũ hành âm dương như gỏi cuốn ngũ sắc, phở áp chảo, bánh xôi vị, chè uyên ương, bánh ướt thập cẩm, khoai môn lăn cốm… khéo léo hoà trộn dưới bàn tay nghệ nhân…, để rồi như chiếc cầu nối giữ vững giá trị văn hóa của xứ sở có truyền thống lúa nước và nhắc nhở thế hệ trẻ biết hướng về cội nguồn.
Với mâm cỗ chay Việt Nam Ngũ Phúc, người Việt quan niệm, ăn chay không chỉ để chăm sóc sức khỏe tốt hơn, cơ thể được thanh sạch tâm thức trong sáng mà ăn chay còn là một pháp tu tập lòng từ, ngăn ngừa nghiệp sát nhằm nuôi dưỡng tình thương yêu muôn loài. Do đó, cỗ chỉ sử dụng nguyên liệu mộc mạc từ trái bưởi, củ khoai, trái su, trái vả… nhưng lại tạo nên món ăn thanh lọc cho cơ thể, mang lại sức khỏe tinh thần bền vững.
Khác với món chay dân dã, mâm cỗ chay phong cách cung đình Huế xưa được Đội Thượng thiện và các phi tần chế biến rất công phu, giàu tính y dược, hương vị màu sắc hài hòa. Nếu hoành thánh bát trân, chả cánh phượng, xôi bồ đề, canh tiềm hạt sen… được tô điểm không thua gì sơn hào hải vị thì chiếc bánh hoa hồng với từng lớp cánh được ghép kỳ công lại mang vẻ đẹp hiếu hạnh ngàn đời của người Việt tới người Mẹ.
Ngập tràn không khí Tết Việt tại Phú Quốc United Center với 12 mâm quốc cỗ Tinh hoa ẩm thực Việt
Vinpearl - thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng – giải trí lớn nhất Việt Nam, tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong trong việc giữ gìn và quảng bá tinh hoa văn hóa ẩm thực truyền thống bằng sự kiện Tinh hoa ẩm thực Việt được tổ chức tại Phú Quốc United Center vào ngày 15/01/2022. Đây là chương trình có quy mô toàn quốc, lần đầu tiên quy tụ 20 nghệ nhân và chuyên gia ẩm thực trên khắp cả nước cùng những đầu bếp tài hoa của Vinpearl tham gia chế tác hơn 200 món ăn, trình bày trên 12 mâm cỗ Tết mang đậm phong vị truyền thống Việt Nam. Các mâm cỗ tiêu biểu cho ba miền Bắc – Trung - Nam và cỗ chay được lên thực đơn tỉ mỉ, chọn lựa tinh hoa của các địa phương, trên cơ sở gìn giữ và phát huy phong tục, tôn giáo được sưu tầm, biến tấu tạo nên giá trị phù hợp hệ sinh thái trong chuỗi món ăn truyền thống đặc sắc Việt Nam được giới thiệu và phục vụ thực khách trong nước và quốc tế.
Tại sự kiện này, Vinpearl đã xác lập kỷ lục “Chuỗi khách sạn có món Việt phong phú nhất Việt Nam" xứng đáng với tâm huyết nâng tầm văn hóa ẩm thực Việt trong nhiều năm qua. Sự kiện "Tôn vinh Tinh hoa ẩm thực Việt” đã ghi dấu ấn một bước phát triển mạnh mẽ trong việc doanh nghiệp chung tay giữ gìn và phát huy giá trị tinh hoa ẩm thực truyền thống nước nhà, cùng tạo nên một hành trình khám phá ẩm thực bất tận, đầy thú vị, góp phần biến di sản thành tài sản đưa tinh hoa Việt Nam sánh ngang với các cường quốc trên thế giới./
;;;