Nếu có dịp du lịch Huế, nếu là người muốn khám phá phong tục, tập quán ắt hẳn du khách sẽ muốn ghé thăm các làng nghề truyền thống nơi đây. Một trong số đó là làng nghề nặn tượng ông Táo: làng Địa Linh ở xã Hương Vinh, Thừa Thiên Huế.
1. Đôi nét về làng nghề nặn tượng ông Táo duy nhất xứ Huế
Ở Cố đô Huế có một ngôi làng nổi danh với nghề nặn tượng ông Công ông Táo, đó là làng Địa Linh ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo người dân làng Địa Linh kể lại, vào thời Nguyễn nhà vua cho đặt tại làng một xưởng làm gạch với tên gọi “Nê ngõa tượng cục”, sau thấy chất lượng đất tốt nên vua ban cho làng tên gọi “Địa Linh”. Về sau, do thấy nguồn đất sét có chất lượng tốt và dồi dào nên người dân đã tận dụng để nặn tượng thờ ông Táo.
Cứ nhắc đến vùng đất Địa Linh là nhắc đến nghề nung đất, bao gồm cả nghề sản xuất gạch và làm tượng cúng ông Táo. Trước đây ngoài làng Địa Linh cũng có làng Sình chuyên nặn tượng ông Táo bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên về sau làng Sình đã chuyển sang làm áo ông Táo, chỉ còn Địa Linh là nơi cuối cùng ở Huế giữ được nghề truyền thống độc đáo này.
>>> Khám phá làng nghề truyền thống ở Huế: Làng Hương Xuân Thủy
2. Nguồn gốc tượng ông Táo dịp Tết
Theo tín ngưỡng văn hóa của người Việt, Táo Quân là vị thần có nhiệm vụ trông coi, cai quản việc bếp núc. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hằng năm, người dân sẽ làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời để bẩm báo những việc xảy ra trong năm qua. Tượng ông Công ông Táo cũ sẽ được đưa ra các miếu, gốc cây cổ thụ còn tượng mới sẽ được rước về thờ cho năm tiếp theo.
Trải qua hàng trăm năm phong tục này vẫn được nhiều người Việt gìn giữ. Vì thế, nghề nặn tượng ông Táo truyền thống ở làng Địa Linh đến nay vẫn còn duy trì và tồn tại.
>>> Để có trải nghiệm du lịch Huế khó quên, đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế
3. Nghề nặn tượng ông Táo - Tìm hiểu công đoạn cầu kỳ
Vào những ngày đầu tháng 11, tháng Chạp âm lịch, du khách ghé thăm làng Địa Linh sẽ thấy khung cảnh người dân tất bật, những lò nung tượng đất đỏ lửa để chuẩn bị sản xuất lượng lớn tượng ông Táo phục vụ thị trường dịp cuối năm.
Hiếm người biết rằng để làm ra 1 bức tượng ông Táo hoàn chỉnh cần trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên trì và cố gắng của người làm nghề.
- Bước 1: Chuẩn bị đất sét
Để chuẩn bị nguyên liệu cho mùa làm tượng ông Táo bà Táo vào dịp Tết, từ tận tháng 7,8 âm lịch người làm tượng đã đi các vùng chọn mua đất sét vàng, có ít tạp chất về dự trữ.
Công đoạn vất vả nhất trong cả quá trình làm tượng ông Táo là làm đất. Đất sét mua về phải được nhào thật nhuyễn, lọc sạch sạn mới được cho vào khuôn in.
- Bước 2: In tượng theo khuôn
Để tạo hình tượng, người ta cần đưa đất sét đã được nhồi mịn nén chặt vào khuôn bằng gỗ lim. Để quá trình tạo hình tượng suôn sẻ, mang tính thẩm mỹ người đúc cần thường xuyên làm sạch các hoa văn được khắc bên trong khuôn đúc và thay khuôn mới 2 năm/lần.
Lưu ý: Khi cho đất sét vào khuôn đúc cần phải ép thật chặt để tượng rõ nét và không bị méo. Khi lấy tượng ra khỏi khuôn cũng cần phải thật khéo léo. Sau khi tượng đã rút bớt nước thì mang ra phơi nắng một buổi rồi mới cho vào lò nung.
- Bước 3: Nung tượng
Sau khi đổ tượng ra và phơi nắng cho khô, người dân sẽ đưa tượng vào lò nung. Đây là giai đoạn rất quan trọng quyết định sản phẩm có đẹp và hoàn chỉnh hay không.
Xếp tượng vào lò nung cũng phải thực hiện đúng cách, tượng phải được xếp thành từng hàng, lớp trên lớp dưới xen kẽ, giữa các hàng cần có khoảng cách để lửa cháy đều, tránh tượng bị nổ hoặc vỡ nát trong 3 ngày nung.
Người làm tượng thường phải thay phiên nhau canh lò nung để giữ lửa được cháy đều, giúp sản phẩm đẹp đồng đều và đạt chất lượng như yêu cầu.
- Bước 4: Tô màu cho tượng
Có 2 loại tượng ông Táo bà Táo là tượng sơn mài và sơn vẽ. Trong đó tượng vẽ đòi hỏi người vẽ phải tỉ mỉ trong thao tác sơn màu, rắc kim tuyến cho tượng.
Công đoạn này thường phải đến gần ngày 23 tháng Chạp mới được thực hiện để tượng giữ được sự bắt mắt và tươi mới. Sau khi tô màu xong thì cần phơi khô tượng một lần nữa mới hoàn thiện sản phẩm.
4. Mua tượng ông Táo bao nhiêu tiền?
Cứ mỗi dịp Tết, làng Địa Linh lại tấp nập sản xuất hàng vạn bức tượng ông Táo để cung ứng ra thị trường, không chỉ ở địa bàn Thừa Thiên Huế mà còn nhiều tỉnh thành miền Trung, Sài Gòn, Bình Phước....
Các thương lái thường đến làng thu mua mỗi tượng với giá từ 3.000 - 5.000 VNĐ và bán với giá gấp 2, gấp 3, sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu thì người thợ làm tượng thường lãi được từ 500 - 2.000 VNĐ/bức.
Tượng ông Táo không chỉ là một sản phẩm truyền thống mà còn thể hiện ước vọng đổi mới, may mắn. Đầu năm người Việt trân trọng đặt tượng ông Táo này để làm rực rỡ không gian thờ tự, bếp núc. Đây là một phong tục tốt đẹp và nên được lưu giữ và lưu truyền rộng rãi.
Ngoài những làng nghề truyền thống đậm giá trị văn hóa, lịch sử, du khách tới Huế còn có thể ghé thăm nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác như: Đại Nội Huế, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng… và thưởng thức các món đặc sản Huế như: bánh nậm Huế, bún bò Huế, cơm hến, bánh bột lọc Huế,…thì chuyến đi mới được trọn vẹn.